07/05/2024
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG RƯỢU, BIA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 3 châu Á, thứ 9 thế giới về lượng bia tiêu thụ với hơn 3,8 triệu kilô lít trong năm 2020, chiếm 2,2% toàn cầu.
Mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ dưới đến 15 tuổi ở nước ta cũng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2.9 lít cồn nguyên chất/ người/ năm, thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 8.3 lít.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Theo thống kê, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại. Uống rượu bia ở mức nguy hại được định nghĩa là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn tương đương 6 đơn vị cồn trở lên.
Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên 13-17 tuổi là 24.6%m giảm so với 33.2% năm 2013 và ở nữ là 20% tăng so với 17.6% năm 2013. Trong đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22.1% ở nam và 19.3% ở nữ.
Rượu bia gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, xã hội. Tuổi uống rượu bia càng sớm, mức độ nghiện càng cao, thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội càng nhiều. Chính vì vậy mọi người nói không với rượu bia hoặc hãy sử dụng rượu bia ở mức khuyến cáo để mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.